Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

“Phong thủy” dáng rồng - Phong Thủy Cho Người Việt - Phong thuỷ - Phong thuy - Xem Phong Thuy, Tư Vấn Phong Thủy - Xem Phong Thủy Nhà

“Phong thủy” dáng rồng - Phong Thủy Cho Người Việt - Phong thuỷ - Phong thuy - Xem Phong Thuy, Tư Vấn Phong Thủy - Xem Phong Thủy Nhà
9/12/2013 9:49:44 AM
PTTQ - Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng không dễ để chú rồng thép nặng 9.000 tấn “bay” trên sông Hàn hội đủ 9 yếu tố cấu thành con rồng trong truyền thuyết, đó là thân rắn, vẩy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, mắt tôm hùm, bụng của con sò, gan bàn chân của hổ, vuốt của chim ưng và mũi, bờm, đuôi của sư tử.
“Phong thủy” dáng rồng
Cân lên đặt xuống cái… đầu rồng

Trong việc xây cầu Rồng, chính quyền và người dân TP Đà Nẵng đặc biệt coi trọng yếu tố phong thủy, nhất là dáng rồng, bởi nó là hình tượng trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Để có được dáng cầu như hiện nay, lãnh đạo TP Đà Nẵng và các cơ quan, ban ngành đã trải qua rất nhiều cuộc họp, bàn cãi hết sức gay gắt.

Phần thân rồng uốn lượn bay qua sông Hàn thơ mộng do Công ty Louis Berger (Mỹ) thiết kế. Còn đầu và đuôi rồng thì Đà Nẵng phải tổ chức riêng một cuộc thi thiết kế. Điều đáng mừng là thành phố chỉ vừa có “chỉ dụ” phát động đã có hàng chục ý tưởng ứng thí. Lọt qua nhiều vòng tuyển chọn, ý tưởng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được lãnh đạo thành phố chấp nhận và giao cho thiết kế.

Tổng chiều dài của đầu rồng khoảng 15m, cao khoảng 10m, diện tích chắn gió lên đến 150m2. Toàn bộ đầu rồng nặng hơn 40 tấn, chia thành 4 tổ hợp rời được cẩu lên ở độ cao khoảng 24m so với mặt nước sông Hàn. Đầu rồng được lắp ghép vào 5 ống vòm của thân rồng và giằng chéo bằng các hệ liên kết để đảm bảo độ ổn định. Nếu tính cả khối lượng của hệ liên kết thì tổng trọng lượng của đầu rồng lên đến hơn 60 tấn. Nhà máy gia công cơ khí 121 (thuộc Cienco1) là đơn vị sản xuất đầu và đuôi rồng bằng vật liệu thép theo tiêu chuẩn ASTM 709 của Mỹ (là tiêu chuẩn dành cho thép làm cầu, đảm bảo chống ăn mòn, han rỉ...).

Dù được “chọn mặt để gửi rồng”, nhưng con đường để đi đến “đích” vẫn rất gian nan đối với nhà điêu khắc này. Thoạt đầu, ông Hạng đưa ra phương án cho đầu rồng uốn ngược lại và vươn lên cao. Nhưng phương án này bị gạt ngay với lý do rồng phải bay thẳng chứ “ngoái lui” thì chẳng tốt đẹp gì.

Không nản chí, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đề xuất phương án để cho rồng có… đôi, bằng cách thiết kế thành hai con rồng. Một con hướng đầu ra biển ngụ ý vươn ra năm châu bốn biển, một con hướng đầu lên núi chào mời khách thập phương. Riêng phần đuôi cặp rồng châu vào giữa được cuộn lại thành hình hoa sen... Ý tưởng khá tạo bạo. Tuy nhiên, phương án này cũng không được lãnh đạo Thành phố chấp thuận vì dễ bị “suy diễn” là mất đoàn kết do hai đầu rồng quay về hai phía.

Cũng liên quan đến phương án cặp rồng, ông Hạng còn đề xuất cho hai rồng châu đầu vào giữa theo kiểu “song long chầu nguyệt”. Và cũng rất nhanh chóng bị Đà Nẵng bác bỏ vì bị cho là rồng “đối đầu”. Ngoài ra, nếu làm thành hai con rồng thì sẽ không thể trở thành “con rồng thép dài nhất thế giới” đã đăng ký kỷ lục Guinnes. Rồi cuối cùng, sau nhiều lần cân lên, đặt xuống, phương án tối ưu được chọn là đặt đầu rồng ở đầu cầu phía Đông vươn ra biển lớn.

Cứ tiếp thu để nghiên cứu tiếp

Suốt hai tháng ròng sau khi phương án đầu rồng được quyết, ông Hạng vẫn phải tiếp tục “bôn ba” đến nhiều bảo tàng trong cả nước để thu thập và nghiên cứu các mẫu đầu rồng. Và ông đã chọn được cho mình mẫu rồng ưng ý của thời Lý. Ông Hạng nói, rồng đời Lý có rất nhiều điểm khác biệt. Đầu rồng đời Lý không có sừng, thường ngẩng lên cao, miệng há to, mép trên không có mũi… Mẫu rồng này rất phù hợp với kiến trúc cầu Rồng bởi nó có phong thái rất mạnh mẽ, vừa thể hiện được vóc dáng của đất nước đang vươn mình trong thế kỷ 21, vừa giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tiền bạc cùng với chất xám đầu tư cho cầu Rồng không nhỏ nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hài lòng. Nhìn một cách tổng thể, con rồng vẫn chưa hội đủ 9 yếu tố: Thân rắn, vẩy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, mắt tôm hùm, bụng của con sò, gan bàn chân của hổ, vuốt của chim ưng và mũi, bờm, đuôi của sư tử. Nhiều ý kiến chê đầu rồng thấp, trông như rồng… đuối sức.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng giải thích bản thân ông muốn thể hiện đẹp hơn, nhưng phải tuân thủ quy định về trọng lượng, bố cục, định vị, chất liệu… Nếu đưa đầu rồng vươn cao hơn thì khả năng chịu tải của vòm thép không đảm bảo và sẽ mất an toàn. Nhiều kỹ sư có chuyên môn cao cũng đồng tình với cách lý giải của ông Hạng. Song, lại có ý kiến phản biện từ kỹ sư lão thành Hoàng Hữu Hà. Ông Hà cho rằng, hoàn toàn có thể đưa đầu rồng lên vị trí cao hơn để thể hiện dáng vẻ oai phong bay ra biển lớn. Cách làm đơn giản, không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu công trình. Đó là cưa chỗ khớp nối giữa đầu và cổ rồng, sau đó nối thêm khoảng 2m ống thép và gắn lại. Về kỹ thuật, khi nối các ống thép phải trùng nhau 10cm và gắn chặt lại để đảm bảo an toàn.

Xung quanh việc “tranh cãi” này, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, người đã đổ nhiều tâm sức cho công trình cầu Rồng phát biểu thẳng thắn trong một buổi họp, ông cũng nghe nhiều ý kiến đánh giá cầu rồng nhìn ốm, đầu không cao, rồng không có chân. Ông Thanh nói: “Chúng ta đã có ai thấy con rồng thật đâu? Tôi nhìn con rồng trên cầu cũng giống con rồng chứ đâu đến nỗi giống con khác?”. Cuối cùng ông tặc lưỡi “Thôi thì cứ tiếp thu để nghiên cứu tiếp”.

Mỗi chuyện về dáng rồng của cầu Rồng đã hết sức ly kỳ và nhiều tranh cãi. Đến màu sắc của rồng cũng phải bàn lên bàn xuống. Lãnh đạo TP Đà Nẵng lý giải việc chọn màu vàng cho rồng là xuất phát từ quan niệm màu vàng là màu của rồng truyền thống Việt Nam. Nó tượng trưng cho sức mạnh, sự sung túc, thịnh vượng và phát triển. Dù vậy, không ít ý kiến lại phản biện rằng, rồng trong “tứ linh” là Thanh Long nên sơn màu xanh thì mới phù hợp, đặc biệt là với phong thủy sông nước như Đà Nẵng. Ngoài ra rồng xanh còn thể hiện sự xanh – sạch – đẹp theo đúng chiến lược xây dựng TP Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường vào năm 2020.

Thôi thì đủ các ý kiến, khen nhiều, chê cũng lắm. Nhưng một điều không ai phủ nhận, cầu Rồng là công trình chứa đựng rất nhiều tâm sức, tình cảm của lãnh đạo và nhân dân TP Đà Nẵng. Ngoài ý nghĩa nối kết giao thông hai bờ Đông - Tây sông Hàn, nó còn là một công trình nghệ thuật đẹp, hoành tráng được du khách thập phương ngưỡng mộ. St

TRỌNG HÙNG fengshui


"GỌI THÌ CÓ, KHÓ THÌ GỌI 0937.85.1992"
GẶP CHUYÊN GIA PHONG THỦY TRỌNG HÙNG fengshui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét